Contact

Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Phan Rí Cửa vào xuân (27/01/2013)

Mùa xuân, khi những cơn gió mặn mòi thổi vào từ phía biển cũng là lúc những con thuyền, sau một năm dài lênh đênh trên biển đã nằm lim dim trên cảng cá, còn những ngư dân thì vội vã trở về, cùng gia đình hối hả chuẩn bị đón một cái Tết Nguyên đán đầm ấm, sum vầy. Vòng quay đó, cũng như vòng quay muôn thủa của trời đất nhưng bao đời nay, với những người dân Phan Rí Cửa (Tuy Phong, Bình Thuận) thì vẫn luôn luôn mới mẻ và rộn ràng, luôn mang đến những hương vị vô cùng hạnh phúc.

Một góc biển Phan Rí Cửa


Theo những chuyến tàu xe, tôi đã nhiều lần đi qua thị trấn nhỏ bé ấy nhưng dừng lại, chầm chậm lang thang trên những con đường thẳng tít tắp, lân la bên những lu nước mắm thơm lừng hương cá cơm, ngắm những cành mai vàng cằn cỗi nhưng rực rỡ ngay trước thềm mùa xuân, đón từng cơn gió đang từ phía biển thổi vào phơi phới thì đây mới là lần đầu tiên.


Lần đầu tiên tôi ở lại với Phan Rí Cửa, một thị trấn thơ mộng nằm sát bờ biển Đông yêu dấu trọn vẹn một ngày xuân tươi đẹp. Trên bờ biển, khi ánh bình minh rạng rỡ chiếu tia nắng hồng từ phía Đông tràn về, những chiếc thuyền sau một năm dài lênh đênh trên biển cả mênh mông đã nằm im trên bến, nghe sóng vỗ rì rào bên mạn những bản nhạc mùa xuân phấp phới của ngư dân. Bác Năm Tài, một ngư dân hơn 30 năm làm nghề đánh bắt cá cơm ở khu phố Hòa Phú cười bảo: Mình đang làm lễ cúng năm mới cho Thần biển, người đã luôn ở bên, phù hộ cho ngư dân trên biển được an lành, bình yên.

Ngoài làm lễ cúng Thần biển, có một việc mà bác Năm không bao giờ quên mỗi dịp áp tết là sơn lại mắt cho con thuyền của mình. Với bác, một ngư dân gắn bó phần lớn cuộc đời mình trên biển cả điệp trùng và gia đình cũng trông chờ vào những chuyến biển thì mắt thuyền là vô cùng quan trọng.

Bảo vệ mắt thuyền cũng như bảo vệ mắt mình, tính mạng mình bởi nó giúp ngư dân vượt qua bão gió mịt mùng, vượt qua bao nguy hiểm giữa trùng khơi hoang vắng. Vì thế, đôi mắt thuyền phải luôn tươi sáng, tinh tường với hai màu xanh đỏ đan xen, sơn lẫn vào nhau nhìn rất đẹp.

Trên bãi cát dài mênh mông, cạnh những bàn chân lồi lõm in hằn trên cát, tôi thấy những đôi mắt thuyền dường như cũng rạng rỡ, cũng vui tươi, cũng háo hức đón chờ một mùa xuân mới của đất nước. Đây là phong tục có từ mấy trăm năm nay của ngư dân Phan Rí Cửa, như một nét văn hóa đậm đà truyền thống.

Là một trong những thị trấn thuộc loại lâu đời nhất ở khu vực Nam Trung bộ, Phan Rí Cửa được hình thành từ thời chúa Nguyễn đi mở cõi đất phương Nam, khoảng những năm 1690 với tên gọi là Thuận Thành trấn. Rồi đến gần 300 năm sau, vào năm 1916, eo đất nhỏ nằm chênh vênh bên bờ biển Đông rộng lớn này chính chức mang tên Phan Rí Cửa.

Hiện nay, sau gần 400 năm hình thành và phát triển, Phan Rí Cửa đang từng bước vươn lên mạnh mẽ với những thế và lực mới, như một điểm dừng chân đến và đi đặc biệt trên tuyến đường kinh lý Bắc-Nam. Và, cũng như một điều hiếm thấy khi suốt trong chiều dài đất nước Việt Nam, chỉ có cái thị trấn nhỏ bé mang cái tên Phan Rí Cửa khác lạ là nơi giao nhau của đường bộ, đường sắt và đường thủy mặc dù dải đất này khá rộng lớn.

Theo như thông tin mới nhất mà tôi biết, có lẽ không lâu nữa nơi đây sẽ vươn mình lên thành một thị xã. Điều này đã và đang dần trở thành hiện thực khi thị trấn ven biển này đã được công nhận là đô thị loại 2, một tín hiệu đáng mừng cho vùng đất đầy nắng gió và mênh mông biển này, như ghi nhận những nỗ lực phát triển của người dân và cán bộ địa phương trong nhiều năm qua.

Như sớm mùa xuân này chẳng hạn, ngồi ngay bên chân cầu Sông Lũy rộng thênh thang mới khánh thành, bắc qua con sông Sông Lũy bao đời hiền hòa đổ ra phía biển, chúng tôi mới thấy hết sự đổi thay, phát triển của thị trấn nhỏ bé.

Những em học sinh đang nô đùa cùng nhau đạp xe qua cầu trong buổi chiều cuối năm với những tà áo trắng tung bay mà khiến cho mùa xuân dường như càng tươi đẹp hơn. Những con đường đất cát bao đời nay đã hầu hết thay bằng đường nhựa, trải dài hút mắt nối liền nhau và luôn ăn thông ra phía bờ biển, như một liên tưởng lạ lùng.

Người dân Phan Rí Cửa chuẩn bị đón Tết

Ở đó, ngoài những dì, những chị đang hối hả đi chợ chuẩn bị tết, tôi bắt gặp rất nhiều cô gái Chăm cùng mẹ trong bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình đi chuẩn bị Tết Nguyên đán. Mặc dù đồng bào dân tộc Chăm cũng có tết riêng nhưng do sự giao lưu văn hóa, sự hòa đồng của những cộng đồng anh em cùng chung sống trên đất nước này, người dân tộc Chăm ở Phan Rí Cửa cũng tổ chức ăn tết Nguyên Đán như cộng đồng người Kinh.

Ông Phí Văn Kim, một người Chăm tươi cười bảo: Năm nào cũng thế, cứ gần Tết là tôi lại đi chợ mua một chậu mai, một chậu cúc đại đóa đón xuân. Ngoài ra, vợ và cô con gái Phí Thị Ngòi cũng chuẩn bị làm bánh và nhiều loại thực phẩm thơm ngon khác để cả gia đình có một cái tết thật đầm ấm.

Có một điều đặc biệt là mặc dù tổ chức lễ hội tết Nguyên Đán nhưng những gia đình người Chăm nơi đây lại làm món ăn, bánh và các lễ hội nhạc khác theo phong cách cổ truyền của mình. Có lẽ, vì thế nên mùa xuân ở Phan Rí Cửa vừa rộn ràng, vừa vui nhộn lại đa dạng những sắc màu, những nét văn hóa độc đáo, khác lạ rất riêng biệt.

Ngoài ra, cũng theo ông Kim, không chỉ có gia đình ông mà nhiều gia đình người Chăm cũng tổ chức ăn uống, tiệc tùng mời họ hàng, bạn bè, người thân và cùng nhau đi chơi nhân dịp tết Nguyên đán này, đó là một việc làm thường xuyên, diễn ra đã nhiều năm nay của cộng đồng người Chăm nơi đây, như một nét đẹp văn hóa truyền thống trong cộng đồng của họ.
Còn một điều đặc biệt nữa là ở Phan Rí Cửa, tôi thấy rất nhiều những chuyến xe ngựa chở hàng, từ những chậu mai đang he hé những nụ mầm màu vàng tươi cho tới những chiếc bình gốm của đồng bào Chăm được làm cầu kỳ, tinh xảo cho tới những xe ngựa chở đầy những lu nước mắm cá cơm thơm ngon.

Từ lâu, cùng với Nha Trang, Phan Thiết, mắm cá cơm Phan Rí Cửa đã nổi tiếng cả nước vì một điều đặc biệt là dường như nồng độ muối của biển Phan Rí mặn hơn các nơi khác nên vị mắm cũng đậm đà, thanh khiết hơn. Rồi xe ngựa chở cả những bao gạo, những trái cây tươi ngon, nhiều màu sắc bắt mắt tới các phiên chợ, nơi hàng trăm người dân đang nô nức chuẩn bị mua sắm hàng hóa đón xuân.
Vẫn biết, một ngày là không đủ hiểu và chung vui hết với người dân Phan Rí Cửa dịp đầu xuân này nhưng tôi vẫn hi vọng, lần sau, khi một mùa xuân khác tôi trở lại đây, thị trấn nhỏ bé bên bờ biển Đông này còn lớn mạnh hơn nữa, xứng đáng là một trong những thị trấn đặc biệt nhất trong hơn ba ngàn cây số dọc bờ biển của dải đất Việt Nam thân yêu này.

Nguồn: www.daidoanket.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét