Contact

Thứ Hai, 4 tháng 4, 2011

Ai về Phan Rí đi xe ngựa

Một buổi sớm mai, trên con đường trở về Phan Rí, tiếng vó ngựa gõ nhịp sao mà rất đổi thân quen. Tìm trong ký ức, tôi chợt nhớ mấy câu thơ trong bài “Ngày trở lại Phan Rí” của Huỳnh Hữu Võ tặng bạn là nhà văn Đoàn Thạch Biền: “Tôi về Phan Rí đi xe ngựa. Qua cầu, qua cầu đến làng Chăm. Chiêm nữ đội vò đi lấy nước. Dưới đồi đồng lúa trải mênh mông”. Câu thơ của Huỳnh Hữu Võ đã đánh thức một thời hoài niệm về xe ngựa Phan Rí. Thế là tôi đã đi tìm...


Hoài niệm một thời
Đâu đó trên những ngả đường Phan Rí hôm nay, người ta vẫn còn thấy bóng dáng của những chiếc xe ngựa tiến nhanh trên đường. Trong ký ức của nhiều người, xe ngựa có mặt ở Phan Rí từ trước thời Pháp thuộc. Thời ấy chưa có xe máy, ô tô. Hầu hết phương tiện chuyên chở đều nhờ đến sức kéo của súc vật. So với xe bò, xe trâu, thì xe ngựa là phương tiện chiếm ưu thế trong quá trình vận chuyển hàng hóa. Đó cũng là phương tiện độc tôn đáp ứng nhanh chóng nhu cầu đi lại của mọi tầng lớp xã hội: từ quan chức, thương buôn cho đến người dân thường.


Bây giờ ở Phan Rí chỉ còn khoảng 6 chiếc xe ngựa hoạt động. Chủ nhân những chiếc xe ngựa đang hành nghề ở Phan Rí chủ yếu là người dân tộc Chăm ở xã Phan Hòa (huyện Bắc Bình), cách Phan Rí chừng 7 cây số về phía nam. Ban đầu người đánh xe ngựa hầu hết là người Kinh sống ở Phan Rí Thành và Phan Rí Cửa. Nhưng sau giải phóng, hầu hết họ giải nghệ. Người Chăm ở xã Phan Hòa (Bắc Bình) mua lại ngựa và xe của người Kinh. Họ dùng để chở than chở gỗ khai thác từ trên rừng về miền xuôi. Sau ngày đất nước mở cửa, cùng với cả nước, hoạt động mua bán, thương mại ở Phan Rí được tự do hơn. Nhu cầu chuyên chở hàng hóa tăng cường trở lại. Những chiếc xe ngựa của người Chăm Phan Hòa ra Phan Rí hành nghề ngày một đông hơn. Công việc tấp nập. Ai ai cũng làm ăn khấm khá.


Trong số những người hành nghề, ông Đặng Phụng là người đánh xe ngựa có tiếng nhất vào thời bấy giờ. ông đã qua 30 năm làm nghề xe ngựa. Đến nay, dù bao nhiêu người bỏ nghề, nhưng ông vẫn còn theo đuổi. Đôi mắt cương trực, khuôn mặt rám nắng và hình thể rắn rỏi của một con người ít nhiều nói lên những trải nghiệm của ông.  Ông cho biết duyên đến với nghề: “Lúc đầu ông cha vợ làm nghề trước. Năm 1981, khi nhà nước quy hoạch lại ruộng nương, tôi không còn làm nông nghiệp, mới mua lại xe ngựa của ông cha vợ. Đến nay đã 30 năm rồi. Nhớ lại cũng bồi hồi lắm!”


Hiện nay, toàn vùng Phan Rí – kể cả Phan Rí Thành và Phan Rí Cửa còn lại khoảng 6 xe ngựa. Xe của ông Đặng Phụng (sống ở xã Phan Hòa, Bắc Bình) chạy chuyên nhất, vì ngày nào ông cũng hành nghề. Còn những xe khác, thì hai ba ngày mới  chạy một lần. Những lúc gặp nhau, mấy ông chủ ngựa hay ngồi hàn huyên tâm sự. Bên bến ngựa, họ nói với nhau về thời cuộc, kể cho nhau kinh nghiệm sống và chia sẽ những chuyện buồn vui trong cuộc đời. Anh Thái Văn Điếm là một trong những người đồng nghiệp của ông Phụng còn bám nghề cho đến hôm nay. Khác với ông Phụng, anh Điếm chỉ chạy vào buổi sáng. Còn buổi trưa anh nghỉ để về làm công chuyện gia đình như : nấu rượu, nuôi gà, nuôi heo.  Anh là người Kinh duy nhất chạy xe ngựa ở Phan Rí Cửa. Anh kể: “Tôi hồi trước ở Hà Tĩnh, cuộc sống rất khó khăn. Đang khi đi học thì cha mẹ mất, không ai nuôi. Thế là tôi tìm vào Bình Thuận kiếm kế sinh nhai. Trải qua nhiều nghề như buôn bán, dạy học… tôi chuyển qua chạy xe ngựa. Bây giờ đã 13 năm rồi”.


Chuyến hàng lên Phan Rí Cửa
Trong câu chuyện của anh Điếm, chúng tôi biết thêm rằng, ông Đặng Phụng là một trong số những người hiếm hoi còn hành nghề xe ngựa ở thị trấn Phan Rí Cửa. Và có lẽ, ông cũng là người có tuổi nghề lâu nhất ở địa phương này. Dù cuộc đời có nhiều nỗi thăng trầm và lắm nỗi truân chuyên nhưng ông vẫn bám nghề cho đến hôm nay. 


Từ 30 năm qua, hôm nào cũng thế, dậy sớm đã trở thành thói quen của người đàn ông này. Mọi công việc chuẩn bị đều được thực hiện tươm tất trước khi lên đường. Như thường lệ, ông Phụng cho ngựa ăn no và mang theo một ít cỏ cũng như mật đường dự trữ cho ngựa ăn dọc đường. Khi trời vừa sáng, chú ngựa kéo cùng với chủ nhân của nó bắt đầu cuộc hành trình. Biết bao điều lý thú đang đón đợi phía trước.
Trên đường đi, ông đã có sẵn những vị khách quen thuộc. Trước hết, ông ghé vào đón bà Năm Bánh Tráng ở xóm trên. Lúc nào bà cũng là người mở hàng đầu tiên, vì hằng ngày bà đều đón xe ngựa mang bán tráng ra Phan Rí bỏ mối cho các hàng quán bên đường. Những thứ kềnh càng, dễ hỏng như thế này chỉ đi xe ngựa mới thực sự an tâm. Đi xe ôm đúng là nhanh hơn thật; nhưng thật tình, chỉ cần một luồng gió thổi qua sẽ làm hỏng hết mấy bao bánh của bà. Thế nên bà đã chọn đi xe ngựa cho an toàn.
Hàng chất xong, con ngựa biết vâng lời chạy một lèo ra khỏi đường làng. Trên quốc lộ, ông Đặng Phụng lại đón thêm một mối hàng khác. Người đón xe ngựa làm nghề bán sâm nam. Hai quảy gánh của bà được móc lên xe một cách nhẹ nhõm. Đi từ Phan Rí Thành ra đến chợ Phan Rí Cửa cũng mất hết 5 cây số. Nếu đi bộ sẽ không biết chừng nào bán được hàng. Thế nên, đón xe ngựa là an tâm nhất. Cứ thế thong thả cho đến khi đến chỗ bán hàng.
Dọc đường, xe ngựa dừng lại nhiều chặng. Không phải vì ngựa trở chứng; mà do khách đi xe yêu cầu dừng lại bỏ hàng. Từ cầu Nam vào đến chợ có đến mấy quán ăn ven đường. Họ là mối lấy bánh tráng của bà vào mỗi buổi sáng. Bến dừng quen thuộc của xe ngựa ông Đặng Phụng là khu chợ Phan Rí Cửa. Bởi Phan Rí Cửa sẽ là nơi mối lái của ông sẽ đến thuê chở hàng khi cần.  Lúc này, ngựa dừng chân thưởng thức những lá cỏ ngọt ngào. Còn chủ nhân của nó chờ xem có ai đến thuê chở thứ gì không. Ở đây, người ta cũng thường thuê ông chở tre chở gỗ. Mỗi chuyến như vậy ông được trả từ 20 đến 30.000 đồng, tùy theo đoạn đường. Đối với người dân địa phương, cho đến hôm nay xe ngựa vẫn còn hữu ích trong việc chuyên chở hàng hóa cũng như phục vụ nhu cầu đi lại. Bà Đinh Thị Hường (một khách đi xe ngựa) nói: “Từ khi bán sâm nam đến giờ, đoạn từ Phan Rí Thành đến Phan Rí Cửa tôi chỉ đi xe ngựa. Đoạn ngược lại, khi bán xong hàng mới đi xe thồ. Thật tình mà nói, đi xe ngựa an toàn lắm. Bữa nào ông ở nhà là mình nghỉ bán luôn à.” Bà Tạ Kiều Ngân – chủ hàng tre ở chợ Phan Rí Cửa cũng cho biết: “Chúng tôi bán tre, bán cây làm nhà từ hơn 20 năm nay. Nếu như không có xe ngựa, chúng tôi sẽ rất khó khăn trong chuyện vận chuyển.
Sau này có nhớ? 
Con ngựa hiện tại là con ngựa thứ tư trong đời đi xe ngựa của ông Đặng Phụng. Ông Phụng kể rằng nó rất hiền lành, dễ bảo. Sức khỏe của nó cũng rất tốt. Nuôi qua 4 con ngựa kéo, ông đều có kỷ niệm đáng nhớ. Xe ngựa là phương tiện mang lại cuộc sống cho cả gia đình ông Đặng Phụng. Trước đây, mới lập gia đình, ông theo nghề nông. Nhưng đời sống khó khăn, bên nhà vợ mới sang lại con ngựa kéo đầu tiên cho vợ chồng ông. Với bản tính siêng năng, trong vòng 4 năm đầu tiên, qua nghề xe ngựa, gia đình ông Đặng Phụng đã cất được một ngôi nhà bề thế nhất làng. 5 người con của ông cũng được ăn học đàng hoàng. Một người tốt nghiệp đại học, 1 người đang học cao đẳng; những người khác đều tốt nghiệp THPT. Nơi một làng quê nghèo khó, gia đình ông Đặng Phụng cho con đi học tới đó không phải là chuyện đơn giản. Tất cả đều trông chờ vào chiếc xe ngựa của ông.
Từ chỗ mang lại thu nhập nuôi sống gia đình ông, con người trở nên người bạn thân tình. Con ngựa kéo trong nhà được xem như đứa con cưng. Những buổi chiều hết việc về sớm, ông Đặng Phụng cho ngựa thong thả rong chơi. Nơi những đám cỏ xanh bên bờ ruộng, ông để ngựa thảnh thơi gặm cỏ. Bà Lư Thị Xuất vợ ông cũng tranh thủ cắt những mớ cỏ thơm đem về trữ cho ngựa ăn dần. Mỗi ngày đi làm về, là mỗi ngày cả người với ngựa đều mệt mỏi. Do vậy, được nghỉ ngơi là cảm giác thoải mái nhất khi màn đêm buông xuống. Xem ngựa như người bạn thân, ông chăm sóc ngựa rất kỹ lưỡng. Ngựa khỏe thì ngày mai mới có thể giúp ông làm tốt công việc. Năm nay 58 tuổi, có lẽ không bao lâu nữa ông sẽ giải nghệ để an dưỡng tuổi già. Ông tâm sự: “Chắc là, hết năm nay hoặc giữa năm sau, tôi sẽ nghỉ đánh xe ngựa. Lớn tuổi rồi, không còn sức làm nữa. Gia đình tôi, con cái đã lớn và có nghề nghiệp ổn định hết rồi. Không ai nối nghiệp cả.”
Một đời xe ngựa của ông là thế. Sau thế hệ của ông không biết còn ai nối nghiệp? Rồi đây, khi những chiếc xe ngựa ở đất Phan Rí không còn. Phương tiện hiện đại sẽ thay thế. Hình ảnh xe ngựa ở vùng đất Phan Rí xưa chỉ còn trong ký ức. Những lớp người đi trước bắt đầu mường tượng về quá khứ năm xưa. Dấu xe ngựa cũ đâu rồi? Trong ký ức của mọi người chỉ còn vang vọng tiếng vó ngựa trăm năm mà nghĩ về câu thơ ngày tháng cũ: “Tôi về Phan Rí đi xe ngựa. Qua cầu, qua cầu đến làng Chăm. Chiêm nữ đội vò đi lấy nước. Dưới đồi đồng lúa trải mênh mông”.


Nguồn: baobinhthuan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét