Contact

Chủ Nhật, 17 tháng 8, 2014

Qua miền nắng gió Tuy Phong

Những chiếc cối xay gió quay đều trên nền trời xanh thẳm là cách để người đi du lịch đánh dấu vị trí của Tuy Phong, Bình Thuận.
Nằm trên mảnh đất Bình Thuận, nhưng cái tên Tuy Phong ít được nhớ tên vì là điểm giáp danh giữa hai miền Bình Thuận và Ninh Thuận, thường bị đi qua. Nhưng mảnh đất này lại là điểm đến thú vị dành cho những người ưa thích khám phá. Tuy Phong nằm cách thành phố Phan Thiết 90 km về phía Bắc.

Nhà máy phong điện đầu tiên ở Việt Nam
Những trụ phong điện nổi bật thấy được ngay trên đường quốc lộ 1 là cách để xác định mảnh đất Tuy Phong bởi nơi đây bốn bề thoáng rộng và mênh mông biển xanh, cát trắng. Những trụ phong điện này vẫn được gọi vui là cối xay gió với ba cánh quạt khổng lồ, cao 85 m, nặng gần 200 tấn, mỗi cánh dài 37,5 m.




Chùa Cổ Thạch
Ngôi chùa này còn được gọi là chùa Hang, tọa lạc gần bờ biển xã Bình Thạnh, ẩn mình trong hang động tự nhiên với cảnh non nước hữu tình. Chùa được xây dựng năm 1835 – 1836 trên khu đồi núi thấp, nép mình vào bên trong hang đá. Thời vua Thiệu Trị, chùa được cải tạo từ vẻ hoang sơ ban đầu, biến thành một nơi rộng hơn về không gian và tinh xảo trong nghệ thuật, được lưu giữ hầu như nguyên vẹn đến ngày nay.











Bãi đá Cà Dược bảy màu
Cách chùa Cổ Thạch vài trăm mét là bãi đá mang hình cánh cung chạy dài ôm lấy biển xanh quy tụ hàng trăm ngàn viên sỏi phong phú về hình dáng như vuông, tam giác, lục giác, đa giác, hình thoi... Không chỉ đa dạng về hình dáng, những viên sỏi ở đây có nhiều sắc màu khác nhau như trắng, đen, vàng, nâu, tím, xanh, lam, đỏ... với những đường vân rất đẹp, lấp lánh dưới ánh mặt trời. Bước chân lên những viên đá cuội sẽ có tác dụng giống như được bấm huyệt cho lòng bàn chân.







Biển Cổ Thạch
Biển Cổ Thạch nằm khuất giữa những vách đá muôn hình và vắng vẻ. Nước biển trong veo, xanh biếc, với những đợt sóng vừa phải nhưng nhanh và mạnh. Không có nhiều dịch vụ và rất hoang sơ, bãi biển này là điểm đến lý tưởng cho khách du lịch bụi ưa thích khám phá.





Mũi La Gàn
Mũi La Gàn nằm lấn ra ngoài biển tạo thành vòng cung với những vịnh biển êm đềm nên gần như các mùa trong năm sóng nước vẫn hiền hòa ấm áp. Vịnh La Gàn là nơi cập bến lý tưởng cho nhiều tàu cá của người dân địa phương và các tỉnh. Ở La Gàn có những bãi cát vàng tuyệt đẹp, những làng chài thơ mộng. La Gàn còn được mệnh danh là “thiên đường” của hải âu. Do có nhiều ghềnh, khe đá nên hải âu đến lưu trú rất nhiều.

Rừng Tà Hoàng và thác Yavly
Khu rừng Tà Hoàng nằm tại xã Phan Dũng, xã miền núi còn nhiều đồng bào dân tộc Rắc-lây sinh sống. Rừng có nhiều cây gỗ quý như lim, sao, căm xe, hương, trắc, gõ... những vạt rừng bằng lăng thẳng tắp, cao chót vót vươn lên nền trời xanh đẹp tựa tranh vẽ. Cắt ngang tuyến đường xuyên rừng là những dòng suối nước trong vắt, mát lạnh


Từ bìa rừng vào đến thác Yavly khoảng 15 km nhưng phải mất gần 2 giờ đồng hồ để chạy xe và lội bộ.  Thác Yavly cao khoảng 50 m tung bọt trắng xóa như mây phủ kín cả một góc rừng, vì vậy mà người dân nơi đây đặt tên cho nó là Thác Mây.

Suối khoáng nóng Vĩnh Hảo
Tắm bùn và ngâm chân nước khoáng nóng tại khu suối khoáng nóng Vĩnh Hảo, nơi theo truyền thuyết, ngày xưa, Huyền Trân công chúa đã từng ngâm chân chữa bệnh. Có lẽ ít ai biết rằng, cái tên Vĩnh Hảo đầy ấn tượng ấy lại do chính Huyền Trân Công Chúa đặt cho dòng suối nóng Eamu đầy thơ mộng từ đầu thế kỷ 14, nhân chuyến “ngao du sơn thủy” cùng chồng là vua Chiêm Chế Mân bên dòng suối.

Bàu Sen, chốn thần tiên giữa những triền cát

Bàu Sen (hay Bàu Trắng) gồm hai hồ nước lớn và nhỏ mang tên Bàu Ông, Bàu Bà nằm cạnh nhau, bao bọc bởi những động cát trắng mịn màng. Đứng từ cao nhìn xuống, sẽ được chiêm ngưỡng đầm xanh thẳm mênh mông, trải dài tuyệt đẹp.

Bàu Sen nằm cách thành phố Phan Thiết 40 km về phía Nam. Nằm giữa những dải cát trắng mênh mông trên dải đất Bình Thuận, sẽ khiến bạn bất ngờ khi leo mãi lên những triền cát cao, bắt gặp một biển hồ rộng mênh mông lấp lánh ánh bạc dưới mặt trời rực rỡ, những cánh sen hồng thấp thoáng. Bàu Bà còn được gọi Bàu Trắng có diện tích lớn hơn Bàu Ông, bàu rộng 3 km, độ sâu trung bình 5 m với tổng diện tích 70 ha, đây là bàu nước ngọt tự nhiên do cấu tạo địa chất của vùng bán sa mạc tạo nên. Bàu Sen là nơi cung cấp nước ngọt cho cả vùng cư dân xung quanh.


Vào mùa hè, sen nở rộ phủ kín khắp mặt nước. Đó cũng là lý do Bàu Trắng được gọi là Bàu Sen. Tiếng địa phương, bàu có nghĩa là hồ. Nhưng nếu bạn không đi đúng mùa sen cũng không vội tiếc vì những bông hoa sen tuyệt đẹp mọc tự nhiên ấy nở hoa quanh năm khắp mặt hồ. Dưới làn nước xanh trong, có nhiều loại cá nước ngọt sinh sống, đặc biệt là loài cá trắm cỏ.

Tại Bàu Sen đã bắt đầu có các dịch vụ kinh doanh phục vụ cho nhu cầu vui chơi nghỉ ngơi của các vị khách. Các vị khách đến nghỉ dưỡng tại Mũi Né thường dành khoảng nửa ngày đến với Bàu Sen. Bạn có thể thuê xuồng của ngư dân ven vùng dạo chơi, đi dạo trên những triền cát, ngắm cảnh trên hồ hay câu cá trong những chiếc chòi nhỏ. Nếu bạn thích tắm thì nước ở đây trong vắt, mát lạnh, sạch sẽ. Cạnh đó là một rừng dương mát rượi, có thể mắc võng, thong thả nghỉ ngơi dưới tán lá cùng làn gió vi vu. Còn cảm giác mạnh hơn hãy thử trò trượt cát hay chạy xe địa hình trên cát thú vị.












Nhiều đôi vợ chồng mới cưới tranh thủ tuần trăng mật ghé qua Bàu Sen chụp album cưới. Những tấm ảnh giữa thiên nhiên tươi đẹp. Thật hiếm có mảnh đất nào được ban tặng nhiều cảnh sắc đến thế. Biển xanh tít tắp, những triền cát trắng mịn màng, những cánh đồng thanh long đẹp đẽ và biển hồ ngát hương sen dập dờn mắt biếc. Nắng, gió hội tụ cả về mảnh đất này.

Để đến Bàu Sen, bạn có thể đi vào bằng đường Hòn Rơm và ra bằng đường Lương Sơn để thấy hết được vẻ đẹp của Phan Thiết. Từ thành phố đến với Bàu Sen, bạn chạy xe buýt đến Hòn Rơm, sau đó chạy xe ôm vào hồ nước đặc biệt này.

Vươn khơi làm giàu

BT- Ông Nguyễn Tấn Dư, sinh năm 1969, tại vùng đất Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong và lớn lên từ vùng biển nơi đây. Chính điều này, gia đình ông Dư đã gắn bó với biển bằng đánh bắt cá, đó được xem là nghề truyền thống và là thu nhập chính của gia đình.
Từ đánh bắt hải sản với thuyền công suất nhỏ, ven bờ, kém hiệu quả, cuộc sống khó khăn, ông Nguyễn Tấn Dư luôn trăn trở, phải có thuyền máy lớn, vươn ra khơi xa, đánh bắt dài ngày trên biển nhằm giảm chi phí sản xuất. Cải tiến ngư lưới cụ phù hợp với ngư trường và chủng loại khai thác. 
Với mục tiêu là tăng thu nhập cho gia đình và người lao động thông qua tăng sản lượng khai thác và bảo quản tốt giá trị sản phẩm tạo sự gắn bó với người lao động, chủ động thời gian sản xuất đánh bắt. Từ đó, ông Dư cùng với gia đình tích lũy, vay mượn từ nhiều nguồn vốn, tập trung thực hiện việc cải tạo thuyền máy đủ sức bám biển dài ngày, xa khơi. 
Đến nay ông Dư đã có đôi thuyền hoạt động xa bờ với công suất 350 CV/thuyền, với trang thiết bị phục vụ sản xuất được đầu tư khá đầy đủ, tham gia tập huấn nắm bắt và sử dụng tốt công năng của thiết bị, kết hợp với học hỏi kinh nghiệm, đồng thời thông qua thực tế lao động sản xuất nên hiệu quả khai thác phát triển rõ nét; chi phí nhiên liệu giảm 10% so với trước; sản phẩm khai thác được đa phần tăng theo từng chuyến biển. Ông Dư còn xác định, việc bảo quản sản phẩm là một trong những khâu hết sức quan trọng nên được quan tâm đầu tư, nhờ đó chất lượng sản phẩm thuyền ông khai thác luôn được đảm bảo.
Thực tế qua thời gian thay đổi phương cách sản xuất trên đã đem lại hiệu quả rõ rệt, thu nhập của lao động đã tăng lên so với trước. Bình quân khoảng 8 triệu đồng/người/tháng cho 13 lao động thường xuyên trên thuyền. Đời sống gia đình ông đã khấm khá hơn, vốn vay mượn để đầu tư thuyền máy lớn đến nay đã trả hết, thu nhập sau khi trừ chi phí khoảng 1 tỷ đồng mỗi năm.
Nguồn: baobinhthuan.com.vn

Huỳnh Hữu Võ: Hãy trả lại thơ cho tôi!

Ở thị trấn Phan Rí Cửa (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) có một nhà thơ tuổi ngoài sáu mươi tên Huỳnh Hữu Võ. Thơ anh được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc nhưng ít ai nhớ đến bản quyền.
Năm 1993, trong cuộc thi thơ do tuần báo Văn Nghệ TPHCM tổ chức, Huỳnh Hữu Võ gây nên sự kiện thi ca thú vị: toàn quốc có 2.750 tác giả gửi 23.163 bài thơ dự thi, tỉnh Bình Thuận có 76 tác giả gửi 760 bài thơ và được chọn vào sơ chung khảo 16 bài, thì Huỳnh Hữu Võ đã chiếm 10 bài với 2 bút danh.
Nhà thơ Huỳnh Hữu Võ

Tuy anh không được chấm giải vì phạm quy nhưng nhiều bài thơ của anh đã được nhiều người làm thơ, các nhà phê bình và người đọc tán thưởng.
Trong 10 bài thơ năm đó, bài Nhịp võng đưa tình của Huỳnh Hữu Võ làm theo thể lục bát là một trong ít thơ lục bát hay còn đọng lại trong lòng người yêu thơ.
Bài thơ này về sau được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc, chắp cánh cho lời thơ bay xa nhưng trên bìa nhiều băng đĩa chỉ giới thiệu tên nhạc sĩ, còn phần lời không thấy tên nhà thơ.
Ví dụ: Trong album Hương Lan - Điệu buồn phương Nam của Cty TNHH VH Nghệ thuật Hoàng Đỉnh sản xuất năm 2000, bài Võng đưa tình cũ chỉ đề tên nhạc sĩ Tiến Luân.
Không có tên, tất nhiên không có… tiền tác quyền tuy có hơn 20 băng đĩa nhạc sử dụng các bản nhạc phổ thơ Huỳnh Hữu Võ trong mấy năm qua (không tính băng đĩa sản xuất ở hải ngoại đều không giới thiệu tác giả phần lời).
Chỉ có nhạc sĩ Vũ Hoàng, người phổ các bài thơ Giọt buồn, Đà Lạt Em và Anh có ghé Phan Rí Cửa thăm Huỳnh Hữu Võ 2 lần và đưa cho anh 400.000 đồng gọi là nhuận bút thơ. Còn Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả có chuyển cho anh 81.000 đồng mà trung tâm thu được từ một băng đĩa karaoke.
Hiện tại nhà thơ Huỳnh Hữu Võ rất nghèo, vợ chồng anh sống nhờ trong một ngôi chùa và kiếm sống bằng xe bánh mì. Anh lại mắc bệnh tim nặng có nguy cơ đột quị rất cao.
Tất nhiên anh làm thơ không phải để kiếm tiền… mua bánh mì hay mua thuốc trị bệnh. Anh chỉ muốn thơ của anh hãy trả lại cho anh.
Anh tâm sự : “Các nhạc sĩ đã thổi vào thơ tôi chút nồng nàn, lung linh cho lời thơ bay cao bay xa, nhưng hãy vui lòng chonhà thơ được đứng tên chung với nhạc sĩ”.

Xa quê hương nhớ mẹ già.

Một góc chợ Phan Rí Cửa

Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Phan Rí Cửa vào xuân (27/01/2013)

Mùa xuân, khi những cơn gió mặn mòi thổi vào từ phía biển cũng là lúc những con thuyền, sau một năm dài lênh đênh trên biển đã nằm lim dim trên cảng cá, còn những ngư dân thì vội vã trở về, cùng gia đình hối hả chuẩn bị đón một cái Tết Nguyên đán đầm ấm, sum vầy. Vòng quay đó, cũng như vòng quay muôn thủa của trời đất nhưng bao đời nay, với những người dân Phan Rí Cửa (Tuy Phong, Bình Thuận) thì vẫn luôn luôn mới mẻ và rộn ràng, luôn mang đến những hương vị vô cùng hạnh phúc.

Một góc biển Phan Rí Cửa


Theo những chuyến tàu xe, tôi đã nhiều lần đi qua thị trấn nhỏ bé ấy nhưng dừng lại, chầm chậm lang thang trên những con đường thẳng tít tắp, lân la bên những lu nước mắm thơm lừng hương cá cơm, ngắm những cành mai vàng cằn cỗi nhưng rực rỡ ngay trước thềm mùa xuân, đón từng cơn gió đang từ phía biển thổi vào phơi phới thì đây mới là lần đầu tiên.

Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

Ra khơi là lỗ

Giá xăng dầu tăng “chóng mặt” trong mấy ngày qua đã đẩy chi phí ra khơi đánh bắt tăng cao. Nhiều ngư dân đành kéo thuyền lên bờ… phơi nắng, số ngư dân cố gắng bám biển thì canh cánh nỗi lo lỗ vốn.

 Nhiều ngư dân ở miền Trung ngậm ngùi để tàu neo đậu, vì ra khơi sẽ bị lỗ Ảnh: KỲ NAM

Chiều 18-8, cảng cá thị trấn Phan Rí Cửa (huyện Tuy Phong - Bình Thuận) khá lặng lẽ. Hàng trăm chiếc tàu, thuyền neo đậu chật ních nhưng không một bóng người. Tất cả đã nằm bờ gần một tháng qua.